Những biến động giá gần đây của Bitcoin đã phần nào cho thấy sẽ rất rủi ro nếu coi loại tiền điện tử này là tài sản an toàn, nhất là với những nhà đầu tư lớn.
Theo Forbes, 2020 là một năm có rất nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra lần đầu tiên, nhưng một trong số đó phải kể đến là đợt sụt giảm thị trường lớn và nhanh chóng đầu tiên của Bitcoin kể từ khi nó ra đời.
Trên thực tế, không có nhiều người thực sự hiểu được Bitcoin đã hoạt động như thế nào. Nhiều nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu và nói rằng họ không khuyến khích nhiều người đầu tư quá nhiều vào Bitcoin vì coi nó là tài sản an toàn.
Bitcoin giảm giá cùng lúc với nhiều tài sản khác và xu hướng này không mang lại điềm báo tốt cho Bitcoin như một tài sản trú ẩn an toàn, ít nhất là không phải đối với các nhà đầu tư trong top 500 tại Mỹ.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là không nên đầu tư vào Bitcoin nhưng bạn cũng không nên kỳ vọng rằng nó thực sự có thể là giải pháp hoàn hảo hỗ trợ vào thời điểm thị trường căng thẳng.
Liệu Bitcoin có thay thế vàng trở thành tài sản an toàn?
Sự sụt giảm của thị trường vào tháng 3/2020, thời điểm COVID-19 thực sự khiến thế giới lao đao, vẫn được đánh giá là tương đối đặc biệt trong một số khía cạnh. Mối tương quan giữa các loại tài sản được thể hiện rõ ràng chỉ trong khoảng vài tuần.
Giờ đây, việc các tài sản kéo theo nhau trong một thị trường suy thoái là điều phổ biến nhưng rõ ràng, những hành động giá chúng ta thấy vào tháng 3/2020 vẫn là trường hợp cực đoan.
Ví dụ, vàng thường được coi là một tài sản tích trữ an toàn, nhưng nó cũng chứng kiến sự sụt giảm trong thời điểm thị trường toàn cầu suy thoái vì COVID-19 hồi tháng 3 năm ngoái. Vậy thì, nếu vàng cũng không hẳn là một tài sản an toàn thì liệu bitcoin có phải?
Vì sao đầu tư Bitcoin vẫn có rủi ro?
Để biết vì sao đầu tư Bitcoin vì nghĩ nó là tài sản an toàn được coi là quyết định đầy rủi ro, chúng ta hãy phân tích qua các khía cạnh sau:
1. Đặc điểm nhà đầu tư
Một trong những lí do khiến chúng ta không nên mong đợi quá nhiều vào Bitcoin như một tài sản an toàn là luôn có nguy cơ nó được sử dụng để đầu cơ. Nếu đúng như vậy thì không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu cơ bán ra Bitcoin vào thời điểm thị trường căng thẳng. Mặt khác, nếu Bitcoin thuộc sở hữu của các nhà đầu tư dài hạn thì giá cả có thể ổn định hơn khi thị trường bị ép giá.
Nghiên cứu cho thấy rằng vào năm 2019, Bitcoin chủ yếu được giữ cho các mục đích đầu cơ. Theo đó, Bitcoin thường được sở hữu bởi các nhà giao dịch thường xuyên nắm giữ các danh mục đầu tư rủi ro. Do đó, Bitcoin ít có khả năng hoạt động như một tài sản an toàn dựa trên cơ sở nhà đầu tư của nó.
2. Vẫn còn quá sớm để đánh giá
Một thách thức nghiêm trọng khác với Bitcoin là có lẽ còn quá sớm để hình thành một đánh giá thực sự về các đặc điểm danh mục đầu tư của nó. Ngay cả với các tài sản lâu đời, chúng có thể hoạt động khác nhau thông qua các chu kỳ thị trường khác nhau và bạn thường phải xem xét nhiều chu kỳ thị trường để hình thành một cái nhìn tổng quan, đầy đủ.
Tất nhiên, với Bitcoin thì chúng ta gần như không thể làm được điều đó vì nó xuất hiện chưa đủ lâu. Điều đó nói rằng, phân tích các mô hình giao dịch của Bitcoin trước năm 2020 đã cho thấy sự biến động cao và có mối tương quan với các cổ phiếu ở những thị trường đi xuống. Tuy nhiên, khi Bitcoin phát triển theo thời gian, cơ sở nhà đầu tư và đặc điểm danh mục đầu tư của nó cũng có thể thay đổi.
Nhìn chung, mặc dù Bitcoin có thể có tiềm năng trở thành tài sản thay thế cho vàng trong tương lai xa nhưng hiện tại nó chắc chắn chưa thể thay thế và cũng không phù hợp để giao dịch giống như một tài sản an toàn.
Linh Đan
Theo kinhtechungkhoan.vn