El Salvador đang có khoản thanh toán trái phiếu đáo hạn 800 triệu USD vào tháng 1/2023. Tuy nhiên, có khả năng quốc gia này không thể chi trả.
Trong 5 tháng qua, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã cố gắng bán trái phiếu Bitcoin cho các nhà đầu tư quốc tế. Ông Bukele nhấn mạnh rằng đây là một lựa chọn tốt hơn việc vay của các công ty hay tổ chức tại Mỹ.
Tuy nhiên, kế hoạch này không hiệu quả. Theo Bloomberg, El Salvador chưa nhận được bất kỳ đồng nào trong kế hoạch huy động nguồn vốn 1 tỷ USD đặt ra trước đó. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang bị đình trệ khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng quốc gia Trung Mỹ này không thể thanh toán được khoản nợ vào đầu năm tới.
Tình hình hiện tại ra sao?
Theo Bloomberg, giá các trái phiếu đang lưu hành của El Salvador đã sụp đổ vào tháng 4 và giảm tới 15,1%, chỉ thấp hơn Ukraine, quốc gia đang xảy ra xung đột với Nga. Trong đó, lãi suất trái phiếu tiêu chuẩn của El Salvador đáo hạn vào năm 2032 hiện là 24%, một con số quá cao và khiến các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ vỡ nợ của nước này.
Kể từ khi ngừng các cuộc đàm phán với IMF và áp dụng Bitcoin như một dạng đấu thầu hợp tác vào năm ngoái, các nhà đầu tư đã dần mất niềm tin vào trái phiếu của El Salvador.
Giới tài chính không chỉ lo ngại về khả năng thanh toán các khoản nợ của quốc gia này, mà còn nghi ngờ Tổng thống Nayib Bukele, một người bị cho có xu hướng độc đoán, theo nhận định từ Bloomberg.
Hiện tại, khi ngày đáo hạn chỉ còn hơn nửa năm, mức giá 78 xu/trái phiếu của El Salvador đã khiến không ít nhà đầu tư mất kiên nhẫn.
“Nếu Tổng thống Bukele từ bỏ khả năng huy động vốn từ thị trường trái phiếu, El Salvador sẽ lấy gì để trả nợ”, Jared Lou, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại William Blair Investment cho biết.
Tổng thống Nayib Bukele đã công bố kế hoạch trái phiếu vào tháng 11/2021, chỉ hơn 2 tháng sau khi El Salvador cho phép đấu thầu Bitcoin hợp pháp. Quốc gia này dự định huy động 1 tỷ USD thông qua trái phiếu, trong đó 500 triệu USD bằng Bitcoin cho kho bạc nhà nước và 500 triệu USD để tài trợ cho dự án phát triển của “Thành phố Bitcoin”. Hiện tại, quốc gia Trung Mỹ này nắm giữ hơn 1.800 Bitcoin, trị giá khoảng 70 triệu USD.
Kế hoạch ban đầu của trái phiếu Bitcoin là phát hành vào tháng 3, nhưng đã bị hoãn lại cho đến cuối tháng 9. Bộ trưởng tài chính của El Salvador, ông Alejandro Zelaya vào thời điểm đó tuyên bố rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến giá Bitcoin. Do đó, đây không phải thời điểm thích hợp để tung trái phiếu ra thị trường.
Song Tổng thống Nayib Bukele lại đưa ra một lý do khác. Ông giải thích sự chậm trễ này là do ưu tiên cải cách lương hưu trong nội bộ chính phủ.
Chưa có kế hoạch tiếp theo
Mặc dù số vốn huy động được không nhất thiết để trả nợ vào tháng 1/2023, việc El Salvador thực hiện đúng “giao kèo” có thể giúp các giao dịch tiếp theo được diễn ra suôn sẻ, theo Bloomberg.
Theo đó, đây là một phần trong kế hoạch lớn nhằm thu hút những người đam mê tiền mã hóa đến sống trong một cộng đồng được mệnh danh là “Thành phố Bitcoin”, với năng lượng được cung cấp từ các nhà máy địa nhiệt, lấy từ một núi lửa gần đó.
Song, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giải pháp cuối cùng của El Salvador, lại đang thúc giục chính phủ theo dõi lại việc áp dụng tiền mã hóa. Cơ quan này nói rằng tiền số tiềm ẩn những rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa IMF và El Salvador về một nguồn vốn mở rộng đã bị đình trệ và quỹ này cần phải đánh giá rủi ro về Bitcoin trước khi đưa ra quyết định.
Trong khi đó, Fitch đã đẩy xếp hạng tín nhiệm của El Salvador xuống mức CCC (có khả năng vỡ nợ cao) với lý do phụ thuộc ngày càng nhiều vào nợ ngắn hạn, nguồn vốn hạn chế và nợ công tăng cao, dự kiến sẽ đạt 87% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2022.
“El Salvador cần một chính sách tài khóa mới và có khả năng chương trình của IMF có thể cung cấp nguồn vốn nhằm loại bỏ một số gánh nặng nợ ngắn hạn cho quốc gia này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc đạt được một thỏa thuận dường như là cuộc chiến rất khó khăn”, William Snead, một chiến lược gia tại công ty BBVA nhận định.
Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, El Salvador cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí nhập khẩu lương thực và năng lượng tăng cao. Ngoài ra, tình hình chính trị tại quốc gia Trung Mỹ này không ổn định, quan hệ ngoại giao với Mỹ dần trở nên căng thẳng.
Minh Hoàng
Theo Bloomberg