CEO Telegram Pavel Durov lần đầu lên tiếng kể từ khi bị Pháp bắt giữ

0
18
CEO Telegram lần đầu lên tiếng kể từ khi bị Pháp bắt giữ
CEO Telegram lần đầu lên tiếng kể từ khi bị Pháp bắt giữ

CEO Telegram Pavel Durov tuyên bố sẽ gia tăng hoạt động kiểm duyệt nội dung tội phạm, nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ các quốc gia không thân thiện về pháp lý.

Rạng sáng ngày 06/09, CEO Telegram Pavel Durov đã đăng một thông điệp dài lên kênh Telegram cá nhân. Đây là phát ngôn công khai đầu tiên của ông Durov kể từ khi bị bắt giữ tại Pháp vào cuối tháng 8 với cáo buộc tiếp tay cho hoạt động tội phạm “sinh sôi nảy nở” trên ứng dụng nhắn tin này.

Như đã được Coin68 đưa tin, ông Durov đã bị giới chức Pháp bắt giữ sau khi đặt chân xuống sân bay tư nhân Le Bourget ở Paris vào ngày 25/08. Vị CEO sau đó bị cáo buộc dung túng cho hoạt động tội phạm, mua bán chất cấm và lan truyền nội dung đồi trụy thông qua Telegram mà không có biện pháp kiểm duyệt cần thiết. Ông Durov sau đó đã được phép tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5 triệu USD, nhưng phải ở lại trong lãnh thổ Pháp để chờ xét xử.

Vụ việc thu hút sự quan tâm cực kỳ lớn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giới công nghệ, vì nó liên quan trực tiếp đến quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm kiểm duyệt của các mạng xã hội. Phía Pháp khẳng định vụ bắt giữ không mang yếu tố chính trị dù ông Durov có quốc tịch Nga, Pháp và UAE, trong khi Bộ Ngoại giao UAE thì đã lên tiếng khẳng định sẵn sàng can thiệp để bảo vệ lợi ích cho công dân của họ.

Quay trở lại bài đăng mới nhất của Pavel Durov, ông thừa nhận đã bị cảnh sát Pháp tạm giữ 4 ngày để tra hỏi về trách nhiệm kiểm duyệt nội dung trên Telegram, với lý do công ty trước đó đã không phản hồi yêu cầu của giới chức. Vị CEO cảm thấy ngạc nhiên bởi theo ông, ứng dụng nhắn tin từ trước đến nay vẫn duy trì đường dây liên lạc với chính quyền các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) nói riêng và Pháp nói chung thông qua đại sứ quán nước này ở Dubai.

Tiếp đó, ông Durov cho rằng Pháp đã sai lầm khi quy trách nhiệm lên cho mình vì hành động tội phạm của người khác, điều mà ông nhận định sẽ cản trở các tiến bộ công nghệ tương tự trong tương lai.

Với tư cách là mạng xã hội, Telegram muốn người dùng toàn thế giới có thể tiếp cận đầy đủ để dịch vụ của họ mà không bị giới hạn gì, đồng thời đảm bảo không bị lợi dụng ở những quốc gia có pháp luật lỏng lẻo. Telegram phải cân bằng giữa luật pháp của từng quốc gia, luật pháp của EU và yêu cầu của chính quyền, nhưng đồng thời vẫn phải giữ nguyên quyền riêng tư cho người sử dụng.

Nếu không thể thỏa mãn được yêu cầu của chính quyền, ông Durov cho biết Telegram sẵn sàng rời bỏ quốc gia đó, điều mà đã từng được mạng xã hội làm tại Nga và Iran.

Ở chiều ngược lại, vị CEO thừa nhận Telegram “chưa phải là hoàn hảo”. Trong giai đoạn bùng nổ số lượng người dùng gần đây, đưa số tài khoản Telegram lên mức 950 triệu, mạng xã hội đã không thể quản lý hết những thủ đoạn lợi dụng của tội phạm, bất chấp việc đội ngũ kiểm duyệt đã hàng triệu bài đăng độc hại mỗi ngày. Do đó, ông Durov tuyên bố sẽ đẩy mạnh công tác kiểm duyệt nội dung trong thời gian tới, biến đây trở thành “mục tiêu cá nhân” và sẽ sớm cung cấp những cập nhật về các thay đổi sẽ được áp dụng.

Theo ghi nhận của tài khoản X @tier10k, Telegram đã cập nhật chính sách, bổ sung hướng dẫn để người dùng báo cáo nội dung độc hại. Cam kết “sẽ không kiểm duyệt tin nhắn riêng tư giữa các người dùng với nhau” thì được đưa xuống một mục khác.

Giá token TON, đồng tiền mã hóa của blockchain TON gắn liền với Telegram, đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi ông Pavel Durov bị Pháp bắt giữ và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét nào.

Theo Coin68